Cho tổ ấm luôn đẹp tinh tươm
Từ thực tế ngôi nhà sau khi hoàn thiện thường rất chỉn chu, nhưng rồi đa số lại trở nên thiếu đồng bộ và có phần bừa bộn sau một thời gian ở nhất định. Tuy nhiên vẫn có một số không gian sống ngày càng trở nên ấm áp hơn và… tình hơn theo thời gian đồng hành cùng gia chủ. Vậy sự khác biệt đến từ đâu?
PHẠM VĂN TRUNG – THIẾT KẾ MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP
Tôi thấy nhiều showroom hay văn phòng cao cấp cứ mỗi năm lại xếp đặt, trang trí lại, bởi cho dù có thiết kế hoành tráng từ đầu thì quá trình sử dụng vẫn cần điều chỉnh.
Mặt khác, việc thổi một sắc thái mới vào không gian sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho người sử dụng, cập nhật các xu hướng mới, đem lại sự hấp dẫn, thu hút khách hàng cũng như kích thích nhân viên làm việc tích cực hơn.
Quá trình sử dụng ngôi nhà cũng vậy, sau một thời gian ở, dịp đón năm mới nên là cơ hội định vị lại không gian, tiện nghi và vật dụng. Mọi không gian nếu không xây mới, cơi nới thêm thì vẫn chỉ chừng đó diện tích.
Vấn đề là gia chủ muốn rộng hơn hay gọn lại, muốn ấm cúng hay thoáng đãng… mà chỉ bản thân gia chủ mới biết mình cần gì, để quyết định thay đổi theo hướng nào với sự giúp sức, tư vấn của nhà chuyên môn.
Nếu liên quan đến gu thẩm mỹ hay xu hướng thời thượng thì chỉ cần thay thế, gia giảm ở các “phần mềm”. Ví dụ màu sơn hiện nay có các xu hướng màu sắc biến đổi theo từng năm, nếu cập nhật ắt… năm nào cũng phải sơn lại nhà.
Do đó chỉ cần chọn điểm cần nhấn, cần khoe khi trang trí nhà cửa để sơn hoặc dùng giấy dán tường một cách chọn lọc theo màu mình thích, màu đang hợp thời… là đủ.
Một số gia đình đến nay vẫn giữ thói quen dùng đèn và cách chiếu sáng nội thất khá đơn điệu là chỉ cần đủ sáng, khiến nhiều ngôi nhà dù có xây mới, mua đồ nội thất đẹp nhưng vẫn chưa thực sự “lung linh”.
Theo tôi, nhà ở tư nhân rất nên quan tâm đến chiếu sáng để tạo hiệu quả thẩm mỹ linh hoạt mà ít đụng vào “phần cứng” của nhà.
Tại sao ta đi nhà hàng, quán cafe thấy luôn đẹp hơn nhà mình cho dù những chỗ đó không hẳn có trang trí hấp dẫn hay chất liệu cao cấp hơn, theo tôi chính nhờ cách quán xá biết chiếu sáng, có chỗ rực rỡ, có chỗ mờ ảo.
Hoặc nếu để ý các căn hộ chung cư có diện tích giống nhau khi bàn giao phần thô, nhưng mỗi căn sau khi có thiết kế nội thất riêng thì sẽ rất khác nhau, bởi những bàn tay chuyên nghiệp xử lý sẽ làm không gian biến đổi rõ rệt, đặc biệt là nhờ các chiếu sáng nghệ thuật đi cùng xử lý vật liệu và đồ nội thất.
LÊ THỊ NGỌC MINH – KIẾN TRÚC SƯ
Không ít công trình khi khảo sát hiện trạng xong tôi phải tư vấn thuyết phục khách hàng lược bỏ bớt đồ đạc. Nhà nào cũng có nhiều món đồ thuộc diện không dùng mà vẫn lưu trữ lâu dài.
Gặp đúng gia chủ có thú vui sưu tập thì nhà luôn ngập trong đồ, thậm chí phải thiết kế các kho hoặc tủ trưng bày riêng để giải phóng không gian. Các loại đồ lưu niệm, đồ chuyển từ nhà cũ qua không biết nên để đâu… đều thuộc diện khó dung hòa giữa đồ cũ và nhà mới nếu thiếu “quy hoạch” từ đầu.
Thực tế đã chứng minh “xây nhà xong chưa phải là xong”, bởi một số gia chủ có thể đã quên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng” nên quá trình sử dụng sẽ bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến nhà mau bị xuống cấp, bất tiện.
Ví dụ, một dàn kệ bếp có chi phí cả trăm triệu đồng, với đủ thiết bị hiện đại nhất, nhưng một số người làm bếp lại thích gia công thức ăn và rửa chén kiểu ngồi ngoài sàn nước, một số giữ thói quen xưa ở quê là thích mắc võng, trải chiếu, ngồi lặt rau dưới đất… thì ắt nảy sinh nhiều bề bộn ở gian bếp hiện đại đó.
Quầy bar cũng hay rơi vào tình trạng dùng sai chức năng, chỉ như điểm trang trí khi lễ tết, bình thường thành nơi để đồ lặt vặt, rất bừa bộn và lãng phí. Do vậy, một số ngôi nhà dù rất ấm hơi người nhưng mỗi khi “đi tân gia nhà người ta” về thì gia chủ lại muốn chỉnh sửa, thêm bớt bởi “sao nhà mình nhìn chán quá” mà không biết rằng cái bừa bộn mới là nguyên nhân chính làm xấu nhà.
Như KTS. Jean Nouvel từng nói: “Kiến trúc là nghề lắng nghe!” Cả 2 bên, chủ đầu tư và nhà chuyên môn đều cần lắng nghe nhau để dự trù được đủ các không gian chỗ nào cần cho hiện tại, chỗ nào dự kiến tương lai, mà cụ thể nhất là nhu cầu chứa đồ cũ, là tủ giày (dường như luôn phình ra chứ ít khi bớt đi), là phân biệt giữa đồ chưng và đồ xài… để có được các vị trí, giải pháp phù hợp.
Nhà sạch thì mát, kinh nghiệm cha ông truyền lại luôn đúng. “Sạch” cần hiểu theo nghĩa không có chi tiết thừa và luôn hữu ích trong quá trình sử dụng, luôn được gia chủ quan tâm tu bổ hằng ngày (dọn dẹp, lau rửa), hằng tháng (sắp xếp, sửa chữa), hằng năm (tổng vệ sinh, thay đồ nội thất hư cũ, trang hoàng lại không gian…) trong mức độ cho phép.
HELENE THỦY TRẦN – KINH DOANH ĐỒ NỘI THẤT
Tôi từng làm nhà cho mình, và nhận thấy thói quen phổ biến của gia chủ là hay dao động, hay tham khảo nhà người khác nhưng chưa biết chắc được giải pháp đó, vật liệu đó có hợp với nhà mình hay không, dẫn đến phá vỡ ý đồ thiết kế ban đầu.
Ví dụ thấy nhà người khác dán giấy dán tường, mình cũng muốn ngó nghiêng tìm chỗ dán, dù biết kiểu nhà mình khác nhà họ.
Nhiều nhà rộng rãi nhưng vẫn không đủ tiện nghi khi đưa vào sử dụng, bởi quên mất thói quen vốn có là hay tổ chức tiệc tùng họp mặt tiếp khách, nên thành ra thiếu những góc riêng tư. Rồi có cả chuyện buổi trưa người cao tuổi hay người giúp việc muốn ngả lưng một chút dưới trệt (vì phòng riêng trên lầu khá nóng và cũng ngại lên xuống) thì lại không có chỗ.
Thế là kê ghế xếp, thế là trải chiếu xuề xòa, thành ra chỗ này thì bừa bộn, mà chỗ khác lại bị… ế, bởi cả năm không ai đi lên sử dụng nhiều (ví dụ như phòng thờ, đặt trên lầu cao gây nhiều bất tiện).
Một số nhà thiết kế với những mảng kính lớn nhìn ra rất thoáng, nhưng khi sử dụng mới nảy sinh vấn đề người ngoài nhìn vào thấy xuyên thấu mọi thứ bên trong, tâm lý bất an, và đôi lúc bị… va đầu vào kính vì trong ngoài khó phân biệt, thế là phải dán decal mờ hoặc làm rèm che chắn kín mít.
Tuy đây chỉ là chi tiết nhỏ nhưng đã phá vỡ ý tưởng ban đầu, và khiến không gian trông luộm thuộm hơn. Do đó, tôi nghĩ trong nhà ở tư nhân rất cần người thiết kế có kinh nghiệm xử lý các vấn đề thuộc về ý thích riêng của gia chủ, sao cho dung hòa và bền vững, để gia chủ có thể sống chung với ngôi nhà lâu dài.
Một ý đồ thiết kế từ ban đầu nếu đã lường trước có các trở ngại khi sử dụng thì phải cân nhắc. Ví dụ gia chủ xác định mình không có thời gian chăm sóc cây cối thì dù có thích cây cũng nên xem xét chỉ để sân trống sau này đặt chậu linh hoạt, chứ đừng xây nhiều bồn hoa, tiểu cảnh để rồi khi sử dụng sẽ lãng phí, cây cối héo tàn, hoặc phải dùng vào chức năng khác rất phản cảm.
Tôi từng thấy có gia đình đã đặt cục nóng máy lạnh vào bồn hoa, hoặc biến hồ cá gầm cầu thang thành nơi để giày dép, nhét đồ lặt vặt. Ở các nước phát triển người ta có thói quen dùng đồ nội thất dạng tháo ráp, chỉ khoảng vài ba năm là thay mới bởi họ nhận ra ý thích con người hay thay đổi, không nên cái gì cũng xây cứng, làm cố định.
_Theo Kiến trúc nhà đẹp_